Cháy rầy phấn trắng trên lúa

Phơi mình chống cái nóng hơn 38 độ C, lúa Hè Thu ở ĐBSCL còn bị ảnh hưởng một loại dịch hại mới gây “nóng” cây từ bên trong được mang tên rầy phấn trắng.

                                                                   Góc ruộng bị cháy do rầy phấn trắng tấn công.
 
                                                          Góc ruộng bị cháy do rầy phấn trắng tấn công.

Dịch hại mới nổi trong biến đổi khí hậu

Rầy phấn trắng, bọ cánh phấn hay rầy phấn là tên gọi chung của loại dịch hại này. Cơ thể chúng có màu trắng tinh như bột, toàn thân phủ một lớp phấn bao quanh.

Trong canh tác lúa trước đây, rầy phấn không phải là loại dịch hại phổ biến. Chúng chủ yếu gây hại trên nhóm cây ăn trái, hoa kiểng đặc biệt là nhóm rau màu như ớt, cà chua, dưa, bầu, bí… ở các rẫy màu già cũ chưa kịp dọn dẹp tàn dư sau thu hoạch sẽ có rất nhiều rầy phấn tập trung.

Trên lúa rầy phấn chích hút làm lá vàng vọt, cây mất sức, đọt bị xoắn, trổ nghẹn, khả năng vào gạo kém, lép cậy. Chúng rất linh hoạt, phản ứng nhanh khi có tác động, chỉ một cần một cơn gió hoặc nhà nông quơ tay vào chỗ lúa bị vàng trên ruộng thì rầy phấn sẽ bay túa ra.

Nhà nông Nguyễn Thanh Phong (Tân Hiệp - Kiên Giang) cho biết: “Ra ruộng rung bụi lúa chỗ bị vàng sẽ có mấy con trăng trắng bay xèo xèo như bụi cám”.

Thường năm, rầy phấn xuất hiện và gây hại cao điểm ở đợt hạn “bà Chằn” nhưng biến đổi khí hậu những năm gần đây làm cho thời tiết nắng nóng, ít mưa tạo điều kiện thuận lợi cho rầy phấn nổi lên thành loại dịch hại đại trà qua các vụ, nhà nông trồng lúa còn thiếu thông tin nên không quản lý triệt để đối tượng này.

Nhầm lẫn với các dịch hại khác

Rầy phấn bay yếu nên thường ẩn nấp ở những chỗ khuất gió. Hiện nay, ruộng lúa trở thành nơi lý tưởng cho rầy phấn phát triển, chúng ẩn nấp ở mặt dưới lá lúa, đẻ trứng dọc theo gân lá, chích hút làm cho lúa bị vàng cháy. Chỗ vàng ban đầu bằng cái thúng, sau đó lan rộng ra theo sự phát triển của quần thể rầy phấn qua nhiều lứa.

Ở giai đoạn trổ, lúc cây lúa bung nhị, màu trắng của nhị đực trùng với màu của rầy phấn nên bà con nông dân không phân biệt được. Do lá lúa bị cháy vàng nên bà con “đoán mò” là bệnh cháy bìa lá do vi khuẩn hoặc bệnh vàng lá chín sớm do nấm gây ra.

                                                                   Rầy phấn gây hại nhìn xa như cháy bìa lá hay vàng lá chín sớm.
 

                                                          Rầy phấn gây hại nhìn xa như cháy bìa lá hay vàng lá chín sớm.

Cách quan sát rầy phấn trắng: Có hai cách để xác định chính xác rầy phấn đang gây hại. Cách 1 bà con tác động vào chỗ lúa bị vàng cho rầy bay ra rồi quan sát trên những mạng nhện (nhện chân dài) văng trên ruộng lúa sẽ thấy rất nhiều con rầy phấn trưởng thành bị dính vào mạng nhện.

                                                                  Rầy phấn bị dính vào mạng nhện.
 

                                                        Rầy phấn bị dính vào mạng nhện.

Cách 2 bà con tiến hành quan sát mặt dưới của các lá bị vàng sẽ thấy trứng của rầy phấn bám chi chít dọc theo gân lá như vẩy cá. Đó là những phương pháp để xác định rầy phấn đang hiện diện trên ruộng.

                                                                  Trứng rầy phấn bám dọc theo mặt dưới của lá lúa.
 

                                                  Trứng rầy phấn bám dọc theo mặt dưới của lá lúa.

Cách quản lý rầy phấn trắng: Trong canh tác, nếu như thời tiết có mưa dầm nhiều ngày thì mật số rầy phấn cũng theo đó giảm đi bà con không cần phun thuốc.Tuy nhiên trong thời điểm nắng nóng gay gắt hiếm mưa như hiện nay thì mật số rầy phấn được nhân lên rất nhanh, chúng đang gây hại làm cháy vàng nhiều cánh đồng lúa ở miền Tây cần thiết phải can thiệp bằng thuốc BVTV.

Khi phun thuốc diệt rầy phấn, bà con cần chú ý những điểm sau:

Đánh tan được lớp phấn: Chọn đúng thuốc diệt rầy nhưng chưa chắc phun chết được rầy phấn do lớp phấn bao quanh cơ thể chúng có tác dụng chống thấm rất tốt. Bà con nên kết hợp thuốc trừ rầy với những chất có tác dụng bám dính hoặc thấm sâu giúp đánh tan lớp phấn rầy và giúp thuốc được tồn tại lâu trên lá lúa, kéo dài thời gian diệt rầy.

Chú ý tính di chuyển: Rầy phấn có xu hướng bay lên cao khi gặp tác động nên khi phun bà con để cần phun cao hơn mặt lúa khoảng 1 tấc và điều chỉnh béc phun cho ra những hạt thuốc thật nhuyễn để khi rầy bây lên sẽ bị hứng thuốc mà chết.

Tính đồng loạt khi xử lý: Trong khâu phun thuốc trị rầy phấn cần thiết bà con phun đồng loạt để tránh việc sau khi phun vài ngày, thuốc đã bớt mùi, rầy phấn từ ruộng khác lại bay sang và gây hại.

Bổ sung dinh dưỡng cho cây: Giai đoạn trổ là giai đoạn cực trọng quyết định năng suất, khi lúa bị rầy phấn tấn công làm cây lúa vàng vọt, mất sức, trổ ngẹn, khả năng vào gạo kém. Cần thiết bổ sung dinh dưỡng bên dưới theo công thức 3 Ure + 3 DAP + 3 Kali cho một công hoặc kết hợp bổ sung dinh dưỡng qua lá trong các lần phun xịt trị rầy phấn trắng.

Với kinh nghiệm quản lý rầy phấn thành công, nhà nông Nguyễn Văn Xinh (Vị Thủy - Hậu Giang) chia sẻ: “Nên phun thuốc vào buổi sáng sớm lá lúa còn ướt hoặc sau những cơn mưa, khi đó rầy phần di chuyển yếu nên rất dễ chết. Đồng thời cắt nước giữa vụ cho cây lúa tuột hết lá ủ để rầy phấn không còn chỗ trú ngụ và gây hại".