Bọ trĩ tấn công vườn điều

Sau khi đợt hoa đầu cho năng suất khá cao, cây điều trong tỉnh Bình Phước bắt đầu ra hoa đợt 2. Tuy nhiên, nhiều vườn đang bị bọ trĩ tấn công, gây hại.

                                                                                                                                                     Phần lớn chùm bông điều bị khô cháy do bọ trĩ tấn công, trái đậu rất ít. Ảnh: Hồng Thuỷ.

                                       Phần lớn chùm bông điều bị khô cháy do bọ trĩ tấn công, trái đậu rất ít. Ảnh: Hồng Thuỷ.

 

Trong đợt ra hoa đầu tiên, nhiều vườn điều ở khu vực huyện Bù Đốp cho năng suất khá cao, nhưng giá lại thấp hơn cùng thời điểm năm ngoái khoảng 10.000 đồng/kg. Vì vậy, nhiều người trồng điều vẫn chẳng có ăn.

Còn tại khu vực huyện Bù Gia Mập, tình hình ảm đạm hơn khi nhiều vườn điều cho năng suất kém ngay đầu vụ.

Đến đợt hoa thứ hai, điều tiếp tục bị tình trạng khô bông, khô trái non, trái không phát triển và hạt lép. Điều đáng nói là nhiều người trồng điều không nắm chính xác nguyên nhân gây bệnh, nên việc phòng trừ không hiệu quả.

Trong đợt hoa đầu, vườn điều 4,5ha của gia đình bà Trần Thị Nhiều ở xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập dù năng suất kém, nhưng vẫn có thu.

Đến đợt hoa thứ hai, tình hình tệ hơn khi xuất hiện tình trạng bông và trái non khô quắt. Nhiều trái non mặc dù đã lộn hột, nhưng chỉ nhỏ bằng ngón tay, màu xám, thân trái nứt nẻ và không phát triển.

“Mấy năm nay, vườn điều của tôi năng suất khá, bình quân hơn 2 tấn/ha. Nhưng vụ này, gần như trắng tay. Tôi đã xịt thuốc dưỡng bông, dưỡng trái 2 lần mà bông vẫn héo, khô hơn nửa vườn”, bà Nhiều cho biết.

Cách nhà bà Nhiều không xa, là vườn điều 6ha của gia đình chị Nguyễn Thị Công, cũng lâm cảnh tương tự.

“Năm nay, gia đình đầu tư, chăm sóc vườn điều kỹ hơn mọi năm, hy vọng bù lại cây tiêu, cao su đang thất bát. Đã xịt 2 lần thuốc phòng trừ côn trùng gây hại kết hợp dưỡng bông, trái. Nhưng bông vẫn bị cháy, trái khô diện rộng, tỷ lệ đậu trái rất ít.

Ban đầu tôi nghĩ chắc do sương muối, nhưng khi nhân viên khuyến nông xã tìm hiểu và lấy mẫu thì mới biết là bị dịch bọ trĩ”, chị Công cho biết.

Còn tại xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, nhiều gia đình trồng điều đang đứng ngồi không yên khi vườn điều của họ đậu trái tốt trong đợt hoa đầu, nhưng vẫn bị dịch bọ trĩ trong đợt hoa thứ hai, năng suất ước chỉ bằng 1/5 vụ trước, nguy cơ lỗ nặng.

“Đầu vụ, điều ra hoa tốt, nhưng giá lại tụt xuống quá thấp, nên chẳng có ăn. Trông cả vào đợt hoa này. Vậy mà cuối cùng lại hỏng hết, coi như trắng tay rồi”, ông Điểu Sô ở xã Bù Gia Mập than.

Trao đổi về tình hình dịch bệnh cây điều, kỹ sư Phan Văn Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Gia Mập cho biết, đối tượng gây hại khiến nhiều vườn điều trên địa bàn huyện bị khô bông, khô trái là bọ trĩ.

Biểu hiện rõ nhất từ dịch bọ trĩ là bông khô, trái không phát triển được do bị bọ trĩ hút dinh dưỡng. Có những trái đã lộn hạt nhưng bọ trĩ tấn công gây nứt trái, không truyền được dinh dưỡng dẫn đến hạt bé, nhân không chắc.

                                                                                                                                                                                Kỹ sư Phan Văn Hà tư vấn cho bà con trồng điều về dịch bọ trĩ và cách phòng trừ. Ảnh: Trần Lâm.

                                                          Kỹ sư Phan Văn Hà tư vấn cho bà con trồng điều về dịch bọ trĩ và cách phòng trừ. Ảnh: Trần Lâm.

 

Theo kỹ sư Hà, bọ trĩ là loài côn trùng có kích thước rất nhỏ, chỉ từ 1 - 1,5 mm, có khả năng bay rất nhanh, chúng ngụy trang bằng màu sắc, thường trùng với màu hoa hoặc biểu bì của cây, nên khó phát hiện bằng mắt thường. Nhưng có thể kiểm tra xem cây có bọ trĩ hay không bằng cách giũ chùm bông điều lên tờ giấy trắng, nếu có bọ trĩ sẽ rơi xuống.

Bọ trĩ thường xuất hiện khi cây điều ra bông và đẻ trứng ở mặt dưới của lá. Cả ấu trùng và bọ trĩ trưởng thành tập trung ở mặt dưới lá, trên chùm bông, hút nhựa cây làm lá biến màu và nhăn nhúm, bông điều bị cháy khô màu nâu vàng và rụng.

Lưu ý, bọ trĩ thường gây hại cùng với thán thư, vì vậy nông dân nên phân biệt kỹ để có biện pháp phòng trừ bệnh hiệu quả. Bệnh này thường gây hại nặng ở những vườn điều ra bông muộn, nhất là những vườn điều xả nhị sau Tết Nguyên đán.

Một điều người trồng cần lưu ý là loài côn trùng này chỉ xuất hiện trên cây điều vào một vài thời điểm chứ không bám luôn trên cây. Nên nếu phun thuốc không đúng thời điểm thì không chỉ tốn chi phí, mà còn không diệt được chúng.

“Để phòng trừ bọ trĩ, bà con cần thăm vườn thường xuyên để phát hiện sâu bệnh, chăm sóc đúng kỹ thuật, cho cây sinh trưởng tốt và ra bông sớm sẽ hạn chế được thiệt hại. Khi phát hiện cây bị nhiễm bệnh, sử dụng các loại thuốc phòng trừ mà cơ quan chuyên môn khuyến cáo sử dụng. Nên dùng các loại có độ độc thấp và phun xịt theo phương pháp “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách)”, kỹ sư Phan Văn Hà nói.